Ngày 20/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 664/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là căn cứ để Thái Nguyên phát triển đúng định hướng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, khai thác lợi thế, hướng tới tương lai.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng Dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình (TX. Phổ Yên) cho đại diện Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam
Tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích tự nhiên là 352.196ha; phía Bắc giáp tỉnh Bắc Kạn; phía Nam giáp Thủ đô Hà Nội; phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tuyên Quang; phía Đông giáp tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bắc Giang. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 xác định mục tiêu tổng quát là phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc.
Cụ thể: Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại, trung tâm giáo dục, nghiên cứu đổi mới sản xuất công nghệ cao; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch và di sản của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2050, tỉnh Thái Nguyên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng, là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước, là nơi đáng sống và đáng đến.

Nhấn mạnh về ý nghĩa và tầm quan trọng của Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho biết:
Quan điểm và lựa chọn phát triển tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được dựa trên nền tảng của những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2010 – 2020. Quy hoạch sẽ có tính kế thừa, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, dự báo chính xác, kịp thời với diễn biến của tình hình, chủ động ứng phó với mọi tình huống trong nghiên cứu lập, thực hiện Quy hoạch tỉnh, nhằm phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nổi bật là một số chỉ tiêu phát triển như:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đến năm 2030 là từ 8,0% đến 8,5%; quy mô kinh tế GRDP năm 2025 là 8,1 tỷ USD và năm 2030 là 13,5%; GRDP/người bình quân đến năm 2025 là 5.800 USD/người, đến năm 2030 là 8.900 USD/người. Cơ cấu kinh tế công nghiệp – xây dựng; dịch vụ; nông, lâm, ngư nghiệp lần lượt là 61%, 38% và 8% vào năm 2025; và 61,5%, 31,4%, 7,1% vào năm 2030. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP là trên 25% vào năm 2020 và 45-50% vào năm 2030; tỷ trọng của kinh tế số trong GDP chiếm trên 20% năm 2020 và 30% năm 2030.
Đặt trong bối cảnh những kết quả về phát triển kinh tế – xã hội Thái Nguyên đạt được trong năm 2021, ông Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhận định: “Quy hoạch lần này có ý nghĩa quan trọng hơn bởi Thái Nguyên đang gia tăng một cách mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, chuyển dịch tỷ trọng công nghiệp xây dựng tăng mạnh, giảm tỷ trọng về nông nghiệp. Đây là xu hướng rất quan trọng, giúp phát triển toàn diện kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
Còn chuyên gia kinh tế Đỗ Anh Tài cho rằng: “Nếu cứ phát triển dàn trải và tương đồng như nhiều địa phương khác, Thái Nguyên sẽ không tận dụng được hết các lợi thế. Do vậy, cần căn cứ vào các điểm mạnh để tập trung phát triển theo mũi nhọn. Điều này là động lực để phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số diễn ra mạnh mẽ. Thái Nguyên cần chú trọng đầu tư những ngành công nghệ cao, có hàm lượng tri thức lớn”.
Không chỉ lựa chọn những chỉ tiêu phát triển kinh tế, hoạch định không gian đô thị cũng được quan tâm đề ra trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên lần này. Theo đó, TP. Thái Nguyên sẽ là đô thị trung tâm kết nối và điều phối, đô thị vệ tinh Đại Từ – du lịch sinh thái và văn hóa; đô thị vệ tinh Phú Bình – công nghệ cao và thông minh; chuỗi đô thị Đồng Hỷ – Võ Nhai; cụm đô thị tích hợp Thái Nguyên – Sông Công – Phổ Yên; khu vực Phú Lương- Định Hóa bảo tồn thiên nhiên du lịch sinh thái và hỗn hợp. Hệ thống các trung tâm phát triển gồm 19 đô thị trung tâm, trong đó có 01 đô thị loại I; 02 đô thị loại II; 09 đô thị loại IV và 07 đô thị loại V vào năm 2030.
Khi được phê duyệt, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên sẽ là cơ sở quan trọng để các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn tỉnh; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh; phấn đấu đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, là trung tâm kinh tế – xã hội, cực tăng trưởng có tác động lan tỏa đối với toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc, tạo dựng nền kinh tế xanh với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao.
Nguồn: https://thainguyen.gov.vn/
Xem thêm:
- Sông Công Thái Nguyên: Từng bước xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị
- Bất động sản Thái Nguyên đón đầu xu hướng tăng trưởng
- Thị trường BĐS thành phố Sông Công, Thái Nguyên năm 2021